Trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột sẽ gia tăng tỷ lệ viêm phế quản ở trẻ em, nhất là ở những đứa trẻ có sức đề kháng kém. Bệnh viêm phế quản trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ dễ gặp những biến chứng nguy hiểm. Do đó mà các bậc cha mẹ cần phải có những kiến thức cần thiết về căn bệnh này để có thể bảo vệ sức khỏe của trẻ được tốt hơn.
Trẻ em có nguy cơ cao mắc viêm phế quản.
Tìm hiểu về bệnh viêm phế quản trẻ em
Viêm phế quản trẻ em là một dạng bệnh nhiễm trùng cấp tính xảy ra ở niêm mạc ống phế quản (ống nối giữa khí quản và phổi). Bệnh hình thành do vi khuẩn, virus xâm nhập khiến cho đường hô hấp bị viêm sưng, kích thích sản sinh chất nhầy gây tắc nghẽn đường thở, khiến trẻ hô hấp khó khăn và gây ho kéo dài.
Bệnh viêm phế quản thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi. Trẻ có thể bị viêm phế quản cùng lúc hoặc khi vừa khỏi một bệnh lý hô hấp, nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, cảm lạnh…
Tác nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ nhỏ bị viêm phế quản, trong đó thường gặp nhất là những tác nhân sau:
- Nguyên nhân hàng đầu của viêm phế quản là do virus, vi khuẩn gây nên. Do hệ miễn dịch ở còn yếu, khi bị virus hay vi khuẩn trên tấn công sẽ khiến trẻ dễ bị viêm phế quản. Đặc biệt, sau khi trẻ mắc các bệnh lý tai – mũi – họng thì những virus, vi khuẩn này lại càng hoạt động và tấn công mạnh hơn.
- Ngoài ra, nếu trẻ thường xuyên hít phải bụi bẩn, khói thuốc lá, khói xe cộ hoặc tắm nước lạnh, tắm quá lâu, ngồi điều hòa sai cách cũng làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản.
Triệu chứng của bệnh viêm phế quản trẻ em
Nhìn chung thì triệu chứng viêm phế quản trẻ em khá giống với biểu hiện của các bệnh viêm đường hô hấp khác như:
- Ngạt mũi, chảy nước mũi;
- Khó thở, thở khò khè.
- Ho, có thể ho khan hoặc ho có đờm, cơn ho sẽ nặng hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm.
- Sốt, mệt mỏi, đau nhức người.
- Bú kém, biếng ăn.
Trong trường hợp thấy trẻ có những biểu hiện như: tím tái, khó thở, trẻ thở nhanh, sốt cao không giảm, li bì, bỏ bú… thì nên nhanh chóng cho trẻ đi đến các cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cách chữa trị viêm phế quản ở trẻ em
Bệnh viêm phế quản ở trẻ em khi được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Tùy vào độ tuổi, tiền sử bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và hướng dẫn chăm sóc phù hợp.
Trẻ em khi mắc viêm phế quản chỉ sử dụng thuốc kháng sinh nếu như xuất hiện dấu hiệu bội nhiễm liên quan đến vi khuẩn. Nếu trẻ bị sốt cao sẽ được hạ sốt bằng Acetaminophen hoặc Ibuprofen với liều lượng phù hợp. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thêm một số thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng khác như thuốc giảm ho, thuốc giãn phế quản…
Lưu ý là cần tuân theo chỉ định, liều lượng sử dụng thuốc theo ý kiến của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc hoặc ngừng sử dụng thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ.
Biện pháp phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ em
Nhằm hạn chế cho trẻ bị mắc viêm phế quản thì các cha mẹ hãy chú ý chăm sóc và phòng ngừa bệnh với những biện pháp sau đây:
- Cha mẹ nên vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ hàng ngày, đặc biệt là khu vực tai, mũi, họng. Đồng thời, bạn cũng nên chú ý dọn sạch phòng ngủ của trẻ luôn thông thoáng, trong lành.
- Nên cách ly và tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường có nhiều bụi bẩn, hóa chất… nguy hại.
- Đối với trẻ có tiền sử dị ứng với lông chó, mèo thì nên hạn chế tiếp xúc với vật nuôi hoặc thậm chí là cả thú nhồi bông.
- Hãy cố gắng cho trẻ cách ly với những người bị bệnh viêm phế quản để hạn chế tối đa nguy cơ lây bệnh.
Như vậy là bài viết trên đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin chi tiết nhất về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng và chữa trị bệnh viêm phế quản trẻ em. Hy vọng rằng những thông tin này đã mang đến cho cha mẹ những kiến thức hữu ích để có thể giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh và luôn khỏe mạnh.